Sáng ngày 30/03/2024, trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ đã tổ chức thực hiện Chuyên đề vận dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” trong môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 do cô giáo Thái Thị Giang giảng dạy tại lớp 4/4, với mục đích:

+ Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

+ Triển khai phương pháp dạy học mới cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên;

Trong mô hình này, học sinh được chủ động tìm hiểu trước nội dung bài học thông qua các tài liệu, tư liệu, công cụ do giáo viên hỗ trợ. Đôi khi là các cuộc thảo luận trực tuyến để tìm hiểu vấn đề hoặc chuẩn bị câu hỏi, chủ đề thảo luận. Khi lên lớp, học sinh sẽ được dành phần lớn thời gian đặt các câu hỏi để trao đổi thêm hoặc thảo luận nhóm … tìm hiểu những vấn đề khác có liên quan nhằm mở rộng thêm tri thức.

Phương pháp dạy học “Lớp học đảo ngược” được thực hiên qua hai giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Tìm hiểu thông tin mới (Hoạt động trước tiết học)

Giai đoạn này diễn ra hoàn toàn ở nhà. Giáo viên và học sinh sẽ tự làm việc hoặc học tập một mình. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 1 cụ thể như sau:

+ Lôi cuốn: Ở tiết trước trên lớp, giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động học tập cá nhân, nhóm để tìm hiểu nội dung hoạt động 2 bài “Cố đô Huế”.

+ Khám phá: Giáo viên tạo lớp học ảo trên Padllet và Google form đưa các link video clip, SGK trang 77-80, gợi ý tìm kiếm thông tin trên internet về nội dung liên quan đến “Cố đô Huế” và một số tài liệu khác học sinh tự tìm kiếm.

+ Thực hành luyện tập ở nhà

Khám phá kết hợp với Luyện tập thực hành, hoạt động này học sinh thực hiện ở nhà. Học sinh vào lớp học ảo của cô giáo thực hiện từng nhiệm vụ: Đọc nội dung sách giáo khoa, xem các video, và các tài liệu liên quan về đặc điểm nổi bật của các danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc tiêu biểu của Cố đô Huế.

Hoạt động 1: Học sinh nghiên cứu bằng hình thức cá nhân, học sinh tìm hiểu thông tin về đặc điểm nổi bật của các danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc tiêu biểu của Cố đô Huế. Học sinh ghi kết quả vào vở ghi chép (Từ nhiều kênh thông tin, học sinh có thể tìm hiểu và cách ghi thông tin theo cách hiểu của mình).

Hoạt động 2: Tìm hiểu về một trong một số danh lam thắng cảnh hoặc công trình tiêu biểu ở Cố đô Huế. Học sinh thực hiện dự án theo nhóm (Giáo viên phân công nhóm những học sinh ở gần nhau cùng chung nhóm)

Học sinh tìm hiểu bài từ lớp học ảo, cùng nhau thảo luận, phân công nhiệm vụ và thực hiện dự án.

Nhóm 1,2: Mô tả thắng cảnh sông Hương, núi Ngự Bình.

Nhóm 3,4: Mô tả thắng cảnh, kiến trúc chùa Thiên Mụ.

Nhóm 5,6: Mô tả thắng cảnh, kiến trúc Ngọ Môn trong Đại nội Huế

Giai đoạn này, giáo viên thường xuyên tương tác, hỗ trợ học sinh, liên tục liên lạc với phụ huynh nhắc nhở học sinh hoàn  thành nhiệm vụ.

– Giai đoạn 2: Đào sâu vào kiến thức (Diễn ra trên lớp học)

Giai đoạn này diễn ra ở lớp học. Học sinh và giáo viên tương tác với nhau, học sinh tương tác với bạn học trong lớp về bài học đã tìm hiểu trước đó ở nhà.

Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 2 cụ thể như sau:

+ Giáo viên tổ chức cho học sinh trình bày cá nhân, nhóm về dự án được giao.

+ Học sinh trình bày dự án cá nhân, nhóm theo yêu cầu của giáo viên. Đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, chia sẻ nội dung nghiên cứu với bạn, nghe giáo viên giải đáp, thảo luận, tranh luận, thực hành kỹ năng, thuyết trình cá nhân và nhóm.

– Đánh giá, chia sẻ: Hoạt động này thực hiện xuyên suốt cả quá trình tự học ở nhà và trên lớp.

Với kĩ thuật này, giáo viên từng bước dẫn dắt học sinh rèn kĩ năng học tập chủ động, tự giác và tích cực đồng thời có cơ hội nâng cao năng lực của bản thân, tự khám phá nội dung bài học, biết mở rộng kiến thức và vận dụng vào thực tế, xử lí các tình huống đơn giản, gần gũi với các em.

Thông qua dự giờ tiết dạy cũng như những chia sẻ của cô Giang về quá trình thực hiện và  báo cáo chuyên đề của cô giáo Trần Thị Thùy Phương – Phó Hiệu trưởng đã giúp giáo viên tham dự chuyên đề hiểu rõ hơn cách xây dựng kế hoạch bài dạy, cách thiết kế các hoạt động của pháp dạy học “Lớp học đảo ngược” để vận dụng có hiệu quả vào bài dạy, góp phần đem lại hứng thú cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực người học.

Sau đây là một số hình ảnh minh họa chuyên đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *