Quý bậc CMHS, Quý thầy cô và các em học sinh thân mến! Bệnh đậu mùa khỉ đang là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh Đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WH0) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.Đến ngày 26/9/2022, thế giới ghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, ngày 03/10/2022 đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP HCM (BN nữ 35 tuổi khi đi du lịch tại Dubai). Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.
Ngăn chặn dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng là bảo vệ gia đình, người thân và chính bản thân bạn.
- Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người hoặc lây từ người sang người. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công gô và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
- Những triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ?
– Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh như: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban, tổn thương ở da. Các tổn thương da có ban đầu sẽ bằng phẳng, sau đó chứa dung dịch, sau một thời gian sẽ đóng vảy, khô và bong ra. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài nốt cho đến vài nghìn nốt. Những nốt này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
– Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần và thường tự biến mất hoặc khi được chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc hạ sốt. Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc nặng. Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc biến chứng cao hơn bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch. Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ hoặc trong trường hợp có tiếp xúc với người bị bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh đầu mùa khỉ, bộ y tế có những khuyến cáo với người dân như sau:
– Che miệng mà mũi khi ho hoặc hắc hơi.
– Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Người có triệu chứng phát ban cấp tính kèm theo một biểu hiện nghỉ ngờ cần liên hệ với cơ sở y tế, chủ động tự cách ly.
– Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
– Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.